Gapo – Mạng xã hội made in Việt Nam

Cơ cấu cổ đông, CEO và cả quỹ cam kết đầu tư 500 tỷ đồng của mạng xã hội Gapo đều có liên quan đến công ty cổ phần tập đoàn G (G-Group) do ông Phùng Anh Tuấn làm chủ tịch.

Ai đứng sau mạng xã hội 'made in Vietnam' Gapo?

Ngày 23/7, mạng xã hội Gapo do công ty cổ phần công nghệ Gapo phát triển chính thức ra mắt với mục tiêu đạt 50 triệu người dùng đến năm 2021.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty cổ phần công nghệ Gapo được thành lập ngày 17/6/2019 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Các cổ đông góp vốn bao gồm công ty cổ phần tập đoàn G (G-Group) chiếm 35%; Công ty cổ phần Giải pháp Công nghệ cao Việt SIFO 35% và ông Hà Trung Kiên – Tổng giám đốc Gapo chiếm 30%.

G-Group được thành lập năm 2016 với vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng, trong đó ông Phùng Anh Tuấn góp 87% vốn. Ông Tuấn sau đó đã thoái hết vốn nhưng vẫn giữ chức chủ tịch của tập đoàn này. Bên cạnh đó, ông Phùng Anh Tuấn còn được biết đến với vai trò chủ tịch và CEO chuỗi cầm đồ F88 – một công ty thành viên của G-Group. F88 hiện nằm trong danh mục đầu tư của Mekong Capital.

Hiện nay, G-Group có hơn 1.000 nhân sự và 8 công ty thành viên, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghệ, tài chính. G-Capital, quỹ đầu tư mạo hiểm cam kết đầu tư 500 tỷ đồng vào Gapo cũng thuộc tập đoàn này. Ông Phùng Anh Tú (em trai ông Phùng Anh Tuấn), Tổng giám đốc G-Group là chủ tịch G-Capital.

Ông Hà Trung Kiên, đồng sáng lập và CEO Gapo đang giữ chức vụ Tổng giám đốc công ty cổ phần thanh toán G (GPay) của G-Group. Như vậy, nhiều khả năng Gapo sẽ là thành viên thứ 9 trong hệ sinh thái của tập đoàn này.

Ngoài F88 và G-Capital, hệ sinh thái của G-Group còn bao gồm 6 công ty: Sàn kết nối tài chính Tima; Ngân hàng di động GPay; Công ty cổ phần an ninh mạng Việt Nam (VSEC); Công ty về truyền thông giải trí BEATVN; Ginnovations – công ty tập trung vào nghiên cứu phát triển công nghệ lõi, phát triển và sản xuất các thiết bị bảo mật và GTV (tên trước đây là GameTV) – hoạt động trong lĩnh vực thể thao điện tử, livestream, đào tạo và phát triển idol, streamer và phát hành game.

Gapo cho phép người dùng định danh tài khoản thông qua giấy tờ tuỳ thân và dự kiến chia sẻ doanh thu với người dùng định danh trong tương lai. Sau hơn một ngày ra mắt, mạng xã hội này nhận được nhiều phản ánh của người dùng về việc không thể đăng nhập, đăng ký tài khoản mới, đăng bài viết… Tối 24/7, Gapo phải tạm ngưng hoạt động để nâng cấp và sửa lỗi.

Gapo được đội ngũ phát triển xây dựng từ tháng 4/2019. Giống như nhiều mạng xã hội khác, Gapo có những tính năng cơ bản như cho phép người dùng đăng bài viết, hình ảnh, video, kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến… Mạng xã hội này cũng sẽ có tính năng livestream và viết blog.

Trước Gapo, một số mạng xã hội “made in Việt Nam” khác từng ra mắt như Hahalolo, VietnamTa… Theo thông tin từ Bộ TT&TT, trong năm nay, Việt Nam sẽ ra đời 5 mạng xã hội mới đều do doanh nghiệp tư nhân xây dựng, trong đó có Gapo ra mắt ngày 23/7 và mạng xã hội của một doanh nghiệp ICT lớn sẽ ra mắt vào tháng 9.

Facebook hiện vẫn là mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam. Theo số liệu tính đến giữa tháng 7/2019 của Statista, Việt Nam đứng thứ 7 trong top 10 nước sử dụng Facebook nhiều nhất với 58 triệu người dùng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here