Theo Báo cáo đầu tư công nghệ Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 do công ty đầu tư mạo hiểm Cento Ventures phối hợp với Quỹ đầu tư mạo hiểm ESP Capital công bố mới đây, chỉ trong vòng 2 năm, Việt Nam đã vươn lên trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Đáng chú ý, lượng vốn đầu tư và số lượng giao dịch công nghệ được thực hiện đã tăng gấp 6 lần trong giai đoạn nửa đầu năm 2017 đến nửa đầu năm 2019.
Cụ thể, nếu như cùng kỳ 2018 có tổng cộng 53 thương vụ gọi vốn với tổng giá trị 444 triệu USD, thì trong nửa đầu năm nay đã có 58 thương vụ với số vốn 246 triệu USD. Trong đó 3 khoản đầu tư lớn nhất vào Tiki, VNPay và VNG đã chiếm 63% tổng vốn.
Mảng bán lẻ và thanh toán chiếm đến 60% các khoản đầu tư. Giai đoạn 2018-2019 ghi nhận các thương vụ đầu tư lớn, thu hút 50 – 100 triệu USD. Cento Ventures và ESP Capital cho rằng, nếu xu hướng này tiếp tục phát triển, Việt Nam sẽ có nhiều startup được định giá từ 0,5 tỷ USD đến 1 tỷ USD trong những năm tới.
Đặc biệt, thị trường Việt Nam đang trở thành đích đến của các quỹ đầu tư Hàn Quốc khi số thương vụ ngày càng tăng, chiếm 30% tổng giao dịch. Trong khi giai đoạn 2017-2018 phần lớn các giao dịch là từ các nhà đầu tư có trụ sở tại Singapore và Nhật Bản.
Số các nhà đầu tư trong nước rót vốn vào startup cũng gia tăng, báo cáo ghi nhận số giao dịch tăng từ 13 thương vụ trong nửa đầu năm 2018 lên 21 trong cùng kỳ năm 2019.
Theo Cento Ventures và ESP Capital, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước vào thế hệ thứ 3, thời gian thành lập từ năm 2015 trở đi. Các startup ở giai đoạn này có điểm chung là sớm có tư duy hướng tới thị trường nước ngoài và chú trọng nhiều hơn tới việc xây dựng công nghệ cốt lõi mạnh mẽ như một lợi thế cạnh tranh.
Điểm mặt gọi tên các startup thế hệ thứ 3 ở Việt Nam có thể kể đến như F88, Wefit, Elsa, Luxstay, Kyber Networl, Uiza, Logivan…
Trong khi đó, các startup Việt Nam ở thế hệ thứ 2 thành lập từ năm 2007 đến 2014 chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thông qua mở rộng theo chiều dọc. Đây đều là những cái tên quen thuộc như: Tiki, Foody, Topica, NCT…
Trước đó, các startup Việt Nam được xếp vào thế hệ đời đầu như: VNG, VCCorp, 24H, Yeah1, NextTech đều đã đạt được những thành công nhất định trong lĩnh vực của mình. Khi có được quy mô đủ lớn, các công ty này đều tìm cách mở rộng sang các lĩnh vực kỹ thuật số mới.
Hiện tại, Việt Nam đang trong một giai đoạn quan trọng khi các thành phần chính của nền kinh tế kỹ thuật số đang bắt đầu thành hình. Báo cáo gần đây của Standard Chartered dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ duy trì ở mức khoảng 7% đến năm 2020 và GDP bình quân đầu người sẽ vượt qua mốc 10.000 USD vào năm 2030.
Hơn nữa, đặc điểm nhân khẩu học gồm 60% là dân số trẻ dưới 35 tuổi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển di động và internet, mang lại thêm 10 triệu người tiêu dùng trực tuyến vào năm 2023.
Sự thúc đẩy kinh tế còn đến từ việc nhiều công ty kỹ thuật số được chú trọng đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, thanh toán và logistics tốt hơn. Một số yếu tố khác bao gồm sự hỗ trợ tích cực của chính phủ cũng như sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo Cento Ventures, khi những yếu tố trên kết hợp lại, Việt Nam chắc chắn sẽ có tiềm năng trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu tại Đông Nam Á.