Nhiều doanh nghiệp hiện khó tiếp cận tín dụng trong phát triển sản xuất. Do vậy, việc hình thành được chuỗi cung ứng rất cần sự tham gia của doanh nghiệp lớn, có uy tín.
Khó trong huy động vốn
Tại Hội nghị thường niên lần thứ tư về tài trợ chuỗi cung ứng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, do Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cùng Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC và Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây tại TP.HCM, nhiều diễn giả cho rằng, thiếu vốn lưu động và các dịch vụ ngân hàng tài trợ giao dịch đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận các đơn hàng lớn hoặc phát triển mối quan hệ với các đối tác trong chuỗi giá trị.
Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thịnh cho biết, các tổ chức lớn đều có chuỗi cung ứng riêng, khi di dời nhà máy sang Việt Nam, họ đều dịch chuyển cả chuỗi, cũng như không muốn chấp nhận nhà cung cấp mới. Nếu chấp nhận nhà cung cấp dịch vụ mới, họ phải đánh giá lại từ đầu và thường mất từ 2-3 năm để hoàn tất các thủ tục.
Để được tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua 2 yếu tố là chất lượng và giá thành. Các đơn vị mua hàng thường lấy giá tại Trung Quốc – công xưởng sản xuất của thế giới, để mua giá toàn cầu. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ, chuỗi cung ứng bị đứt nhiều đoạn, khiến không đạt yêu cầu về giá. Để phát triển sản xuất phải vay vốn ngân hàng, mà các ngân hàng Việt Nam chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp.
Chia sẻ vấn đề này, ông Trần Hoài Phương, Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HD Bank) cho biết, với doanh nghiệp chưa niêm yết, báo cáo không được kiểm toán sẽ khó tin cậy. Ngân hàng không đủ tin tưởng để cho vay, ngay cả khi có tài sản đảm bảo cũng không phải dễ vay, bởi việc bán tài sản đảm bảo với ngân hàng không hề dễ dàng.
Tài trợ chuỗi cung ứng qua doanh nghiệp lớn
Mở rộng tài trợ chuỗi cung ứng được xem là một giải pháp hữu ích, không chỉ giúp các thành viên trong chuỗi cải thiện khả năng cạnh tranh, thu được lợi ích tối đa, mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát được dòng tiền, làm cơ sở mở rộng tín dụng với khách hàng tham gia chuỗi cung ứng.
Song hiện nay, việc tài trợ chuỗi cung ứng còn gặp khó khăn do số liệu, hệ thống thông tin tài chính của doanh nghiệp thiếu minh bạch, năng lực quản trị doanh nghiệp còn hạn chế khi tham gia các chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để hình thành chuỗi cung ứng khép kín, theo các chuyên gia, cần bắt nguồn từ những doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong hệ sinh thái. Họ có đủ uy tín, năng lực kết nối đầu vào, đầu ra, cũng như dẫn dắt các tổ chức tài chính giải ngân vốn.
Chia sẻ kinh nghiệm tại đơn vị mình, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cho biết, nhìn thấy cơ hội từ chuỗi cung ứng khép kín, Vinaseed tự hình thành hệ sinh thái, trở thành đơn vị trọng tâm kết nối người mua – người bán, phối hợp với hệ thống ngân hàng nhà nước như Vietcombank, Agribank, VietinBank.
“Sẽ thuận lợi để hình thành, tham gia vào chuỗi nếu có một doanh nghiệp giữ vị trí trung tâm trong một hệ sinh thái kết nối người mua – người bán”, bà Trần Kim Liên nói.
Bà Liên cũng nêu cách thức của Vinaseed khi kết hợp với ngân hàng, cung cấp dịch vụ tài chính cho các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng gồm: dịch vụ đầu vào, thu mua và lưu thông.
Dịch vụ tài chính này được chia thành 2 mảng gồm: cung cấp dịch vụ đầu vào như vật tư, dịch vụ thu hoạch, cấy hái, logistics; trực tiếp thu mua toàn bộ sản phẩm, chế biến, bảo quản và trực tiếp kinh doanh đến người mua.
Các ngân hàng cam kết cho vay 50% đến nhà cung ứng dịch vụ, còn lại, Vinaseed cam kết sẽ thanh toán khi thu mua sản phẩm với hộ nông dân và hợp tác xã.
“Các ngân hàng đều rất mong muốn thông qua doanh nghiệp lớn để tài trợ chuỗi cung ứng. Họ đưa ra mức lãi suất ưu đãi thấp hơn lĩnh vực khác từ 1-1,5% và thông qua hợp đồng liên kết tổ chức sản xuất để thẩm định cho vay các dịch vụ đầu vào”, bà Trần Kim Liên chia sẻ.
Theo bà Liên, để hình thành chuỗi cung ứng, cần doanh nghiệp đủ uy tín, tầm cỡ và có khả năng kết nối đầu vào, đầu ra. Bởi sẽ rất rủi ro nếu khoản vay không có tài sản đảm bảo hay một tổ chức đứng ra bảo lãnh. Đây là cơ hội lớn cho định chế tài chính, thúc đẩy nền kinh tế sản xuất phát triển.