“Startup quan trọng nhất là con người, bao nhiêu co-founder không phải là vấn đề mà quan trọng là làm thế nào để hòa hợp mọi người và tạo ra nguồn lực lớn giúp doanh nghiệp thành công”, CEO Uiza nhận định.
Co-founder tức là người đồng sáng lập, là những mảnh ghép tạo nên một startup. Đối với các startup, việc lựa chọn cộng sự đi cùng mình là quyết định vô cùng quan trọng vì điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh của doanh nghiệp.
Trong cuốn sách “Những trường hợp tiến thoái lưỡng nan của người sáng lập”, giáo sư Đại học Harvad ông Noam Wasserman đã khảo sát 10 nghìn nhà sáng lập và thống kể rằng 65% các startup thất bại vì mâu thuẫn giữa những người sáng lập.
Vì vậy, khi bắt đầu startup, các startup sẽ đặt ra câu hỏi có một công thức chung nào cho số lượng co – founder hay không? Liệu bao nhiêu co-founder thì sẽ hợp lý để phát triển doanh nghiệp?
Quan trọng nhất là sự hòa hợp
Trên thực tế, có nhiều startup thành công nhưng số lượng co-founder của họ hoàn toàn khác nhau. Hoàng Tuấn Nguyên, CEO Soya Garden chọn đi một mình. Trong khi Phạm Hùng Phong -CEO CyHome, Lê Hồng Thảo – Quyên CEO Viral Works và Nguyễn Hoàng Dương – CEO Ezcound lại chọn con số 3. Còn đối với Nguyễn Đức Anh – CEO của Uiza, anh lại có một sự khác biệt so với những startup khác là chọn con số 12.
Tuy nhiên, ông Robert Trần – Giám đốc điều hành Robenny Coproration khu vực Bắc Mỹ, châu Á, Thái Bình Dương lại cho rằng: “Mô hình tốt nhất để làm startup thì không quá 5 đầu ngón tay, những người cùng nhau góp tiền, góp ý tưởng thì đừng nên chọn quá 5 người. Đây là con số lý tưởng mà chúng tôi đã thử nghiệm thành công ở nhiều mô hình startup”.
Trên thực tế, tùy vào hoàn cảnh cụ thể và quan điểm mỗi người, mỗi startup sẽ lựa chọn số lượng co-founder khác nhau mà không phụ thuộc vào bất cứ một nguyên tắc nào. Và dù đi 1 người, 3 người, 5 người hay thậm chí là 12 người họ vẫn có thể thành công.
Quá nhiều cộng sự sẽ gặp rủi ro lớn?
Đứng trước việc lựa chọn co-founder để cùng startup, nhiều người lại lo lắng rằng, nếu chọn quá ít người thì sẽ không đủ tiềm lực để có thể thành công. Trong khi đó, có người lại băn khoăn rằng, nếu chọn quá đông thì sẽ dẫn đến tình trạng bất đồng quan điểm giữa các co-founder và gây rủi ro lớn?
Khi một startup có quá nhiều co-founder, nhiều người sẽ nghi ngờ rằng những quyết định của startup đó sẽ gặp khó khăn vì sẽ có nhiều quan điểm khác nhau.
Phạm Hùng Phong, CEO CyHome cho rằng: “Càng đông người trong team thì khả năng lãnh đạo càng giảm xuống, không còn là quyết định của một người mà là quyết định của số đông, đây cũng là trăn trở của nhiều nhà đầu tư đầu tư vào startup. Vì họ cần một sự quyết đoán mạnh mẽ”.
Không chỉ gặp bất lợi và gặp rủi ro mỗi khi phải đưa ra một quyết định nào đó mà nhiều nhà đầu tư cũng e ngại khi startup có quá nhiều co-founder. Họ lo ngại rằng, nếu có quá nhiều co-founder thì sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề trong quá trình phát triển như việc phân chia công việc, cổ phần.
“Hiện tại, nguồn vốn đổ vào Việt Nam khá nhiều và tập trung ở những công ty một là mới hẳn, hai là những công ty đã thành danh. Những doanh nghiệp như chúng ta lại nằm ở đoạn giữa, tức là hiện tại có khá ít công ty khi nhận nguồn vốn có thể bứt phá như kỳ vọng. Khi đến series B hoặc series C, các nhà đầu tư rất quan tâm đến năng lực của startup có thể đưa doanh nghiệp phát triển hay không. Và quá trình đó thường diễn ra từ 1 đến 3 năm, có quá nhiều vấn đề sẽ xảy ra và nhất là đối với doanh nghiệp có nhiều co-founder”, CEO Cyhome nói.
Còn CEO Uiza lại chia sẻ: “1/3 quỹ đầu tư mà chúng tôi tiếp cận, sau khi nhìn thấy bảng cổ đông thì họ đều sợ hãi và đi mất vì đây là con số quá đông. Tuy nhiên chọn nhà đầu tư cũng giống như chọn vợ, đó là cả một quá trình lâu dài và họ phải tin tưởng vào mình. Nhà đầu tư cần phải thống nhất với startup về kế hoạch cũng như tầm nhìn. Như mọi người đã thấy, dù không sở hữu nhiều cổ phần nhưng ông chủ của Facebook vẫn là người có quyền quyết định lớn. Dù bắt đầu với bao nhiều co-founder đi nữa thì mục tiêu ban đầu cũng không thay đổi”.
Những tiêu chí khi lựa chọn co-founder
Thực tế, không có một mẫu số chung nào cho việc lựa chọn co-founder, số lượng bao nhiêu người là lý tưởng thì đều tùy thuộc vào quyết định của founder, miễn là họ thấy hợp lý.
Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro tối đa cho việc lựa chọn co-founder cùng mình đê phát triển startup, mỗi founder lại đưa ra những tiêu chí khác nhau để lựa chọn những người phù hợp với mình.
CEO CyHome thổ lộ: “Tiêu chí lớn nhất phải là người có đạo đức cao, không thể để những người vụ lợi cá nhân cùng tham gia xây dựng một mục đích mang tính lý tưởng tốt”.
“Thực chất chọn người vào startup cũng giống như chọn người vào một bạn nhạc vậy, chúng ta phải lựa chọn những người phù hợp với đặc tính của chúng ta. Cũng giống như câu chuyện của Uiza là một công ty chuyên làm về video, lý tưởng của chúng tôi là muốn làm video để mọi người có thể truy cập và tiếp cận ở bất kỳ đâu trên thế giới. Và chúng tôi muốn tìm người có chung lý tưởng đó. Thứ hai là phải có niềm tin, vì làm startup không có gì ngoài niềm tin cả”, CEO Nguyễn Đức Anh nói.
Mỗi startup đều có những quan điểm khác nhau về số lượng co-founder cũng như những tiêu chí phù hợp với mình. Không có một công thức chuẩn nào cho việc lựa chọn co-founder, quan trọng vẫn là phù hợp để cùng nhau đi lâu dài.