‘Thất bại’ là từ mà không một nhà khởi nghiệp nào muốn nghe. Thế nhưng không thể có thành công mà không có thất bại.
Một trong những lý do ngăn cản ai đó đến với thành công trong kinh doanh là nỗi sợ thất bại.
Sự thật là đa số những doanh nhân thành đạt hiện nay đều phải đối mặt với thất bại ít nhất một lần. Tôi đã từng thấy nhiều trường hợp thất bại hơn là thành công, và ngay cả khi soi chiếu các công ty thành danh, tôi vẫn thấy họ mắc rất nhiều sai lầm.
Sơ suất không có nghĩa là dấu chấm hết cho một phi vụ làm ăn; trái lại, nó giúp bạn có thêm tự tin và đứng dậy sau khi vấp ngã, chỉ khi bạn thật sự chấp nhận nó.
Dưới đây là sáu sự thật về thất bại mà bạn cần biết.
Thất bại là mẹ thành công
Nếu bạn đã từng ‘thất tình’ một lần, hẳn bạn biết quá trình hồi phục rất dài và dai dẳng. Tuy vậy, nó giúp bạn định hình lại tầm nhìn của mình và biết ơn những người đã giúp bạn cởi mở tấm lòng.
Thất bại cũng tương tự vậy. Nếu bạn không vấp ngã, bạn sẽ không thể biết hương vị thật sự của thành công.
Thất bại đến từ sự tò mò
Rất nhiều người khởi nghiệp để thoả mãn sự tò mò về kiến thức và tham vọng muốn khai phá hết khả năng của mình. Họ là những người phải chạm tay vào chảo nóng mặc dù biết sẽ rất rát, chỉ vì họ muốn tự mình khám phá.
Sự tò mò này dẫn dắt chúng ta tìm kiếm câu trả lời và chấp nhận rủi ro – vốn là nguồn cơn của đa phần các thất bại.
Thất bại là tài sản vô giá
Một trong những điều quan trọng mà ít ai nhận ra, đó là giá trị thật sự của những thất bại. Bạn luôn được mở mang nhiều hơn sau những thất bại nếu bạn so sánh với những người không chấp nhận rủi ro và nếu bạn học hỏi không ngừng.
Không ai muốn bạn vấp ngã
Bỏ yếu tố cá nhân ra một bên, có một sự thật là không ai muốn bạn vấp ngã. Tất cả đối tác và khách hàng đều mong muốn bạn thành công. Nếu bạn có mối quan hệ sâu sắc với họ dựa trên sự liêm chính và minh bạch, họ sẽ muốn cùng bạn vượt qua khó khăn. Thành công sau đó sẽ là quả ngọt cho tất cả.
Thất bại không có nghĩa là từ bỏ
Bạn đừng nhầm lẫn thất bại với bỏ cuộc. Thất bại chỉ là rào cản trên đường, nhưng bỏ cuộc là khi bạn không còn cố gắng nữa.
Các thất bại sau sẽ dễ dàng hơn
Lại nói đến thất tình, nếu bạn chia tay nhiều hơn một lần, hẳn bạn biết rằng sự thất vọng ngày càng dễ chấp nhận hơn. Trên thực tế, khi bạn có càng nhiều trải nghiệm trong chuyện này, bạn càng dễ dàng vượt qua và kiểm soát bản thân tốt hơn. Khởi nghiệp cũng như vậy, và rất nhiều người thành đạt mà tôi biết đều xem thất bại chỉ là một sự thất vọng.
Nếu nỗi sợ thất bại cản trở bạn theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp của mình, bạn cần hiểu rằng thất bại là một trong những yếu tố quan trọng trên hành trình khởi nghiệp. Nếu bạn học hỏi từ nó, quản lý nó và hiểu hết giá trị của nó, bạn sẽ nhận được rất nhiều.