Startup cho biết Liberzy bắt đầu hoạt động năm 2017. Hiện tại, có khoảng 200.000 người đăng ký sử dụng, chủ yếu đến từ những chương trình về du lịch do Liberzy tổ chức. Tuy nhiên, doanh số của dự án chỉ khoảng 2.000 USD, đến từ quảng cáo, marketing và cho thuê công nghệ.
Theo đó, muốn thông tin xuất hiện trên bảng tin của Liberzy, người dùng phải tạo lịch trình hoặc viết review liên quan đến địa điểm mình đã đi. Những người viết này có thể được chia tỷ lệ phần trăm nhất định.
Kể về quá trình thành lập mạng xã hội Liberzy, Trương Đức Thắng cho biết anh trải qua nhiều nghề, đi nhiều nơi và nhận ra tiềm năng du lịch của Việt Nam rất lớn.
Năm 2017, ý tưởng về mạng xã hội du lịch của startup lọt vào top 3 của một cuộc thi khởi nghiệp. Vườn ươm Sông Hàn khi đó quyết định đầu tư 10% vốn cho dự án. Đến tháng 10/2017, một công ty về công nghệ tại Đà Nẵng rót vốn 35%, quy đổi ra giá trị khoảng 100.000 USD.
Shark Bình chỉ ra điểm chung của các startup thành lập mạng xã hội du lịch là loay hoay chưa tìm ra “long mạch”.
“Bằng biện pháp nọ, biện pháp kia, các mạng xã hội lấy được rất nhiều người dùng nhưng hầu hết không hoạt động. Đối với người dùng, thông thường họ chỉ có thời gian để sử dụng một mạng xã hội duy nhất. Thế còn nhu cầu thực sự về mạng xã hội chuyên biệt ở Việt Nam tôi thấy chưa được chứng minh”, Shark Bình nói.
Đáp lại, Trương Đức Thắng khẳng định Liberzy đã đưa vào thử nghiệm. Đối tượng dự án tập trung vào tuổi từ 18 đến 24.
“Họ không phải là khách hàng tiềm năng của em vì sinh viên làm sao đi du lịch suốt được”, Shark Dũng lên tiếng.
Tuy nhiên, vị Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan lại cho rằng ông quan tâm đến Trương Đức Thắng nhiều hơn mạng xã hội Liberzy. Shark Dũng hỏi startup nếu theo đến cùng dự án, phải bán nhà thì vợ con lấy đâu chỗ ở.
“Dạ hiện tại nhà bán rồi. Em đang thuê nhà để ở, khoản vốn dư em đang đầu tư vào 3 dự án startup khác”, founder của mạng xã hội Liberzy nói.
Trước câu trả lời của Trương Đức Thắng, Shark Dũng khuyên startup nên tập trung vào một dự án. Shark Dũng yêu cầu nếu đầu tư, team Liberzy phải về Sài Gòn, Trương Đức Thắng đồng ý. Trong trường hợp dự án không thành công, startup sẵn sàng về làm cho Luxstay.
Shark Dũng đề nghị 110.000 USD cho 40% cổ phần, trong đó tặng lại 10% cổ phần cho team founder.
Cũng đưa ra offer cho dự án mạng xã hội Liberzy, Shark Bình mong muốn đầu tư 150.000 USD để đổi lấy 40% cổ phần.
“NextTech cũng có một văn phòng rất to ở Đà Nẵng, một hệ sinh thái và lực lượng 500 anh em hỗ trợ. Đồng thời, tôi cam kết bơm vốn cho startup này”, Shark Bình nói.
Đánh giá trong một thời gian ngắn, startup chuyển rất nhiều loại hình kinh doanh, Shark Nguyễn Thanh Việt không cảm thấy hấp dẫn với ứng dụng mạng xã hội Liberzy. Shark Việt quyết định không đầu tư.
Shark Hưng băn khoăn chuyện startup thiếu kiên định và cũng quyết định không đầu tư.
Trong khi đó, Shark Liên đánh giá cao năng lực và sự dám thay đổi của founder mạng xã hội Liberzy. “Tôi chấp nhận yêu cầu bạn đưa ra và không yêu cầu bất cứ điều gì cả”, Shark Liên nói.
Shark Liên đồng ý với lời đề nghị 110.000 USD cho 10% cổ phần mà startup đưa ra phần đầu chương trình.
Sau đó, các Shark liên tục đưa ra quan điểm để lôi kéo startup về mình. Trương Đức Thắng xin hội ý 2 phút với CEO kiêm co-founder của Liberzy.
Quay trở lại, startup lựa chọn lời đề nghị của Shark Dũng. Giải thích về quyết định này, Trường Đức Thắng cho biết Shark Dũng sở hữu hệ sinh thái rất tốt liên quan đến du lịch, Liberzy hoàn toàn có thể vào hệ sinh thái đó.
Như vậy, thương vụ gọi vốn của founder Trương Đức Thắng đã thành công với sự tham gia của Shark Dũng. Tổng giá trị đầu tư là 110.000 USD cho 40% cổ phần, trong đó tặng lại 10% cổ phần cho team founder.