MoMo vừa tròn 12 tuổi, trở thành ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam, đưa thanh toán không tiền mặt vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ông Phạm Thành Đức, CEO MoMo, chia sẻ rằng mình rất tự hào vì xây dựng được một sản phẩm thuần chất trí tuệ Việt, với ước muốn trở thành một công cụ tài chính cho mọi người dân Việt Nam.
Công cụ tài chính cho mọi người dân Việt Nam
MoMo vừa tròn 12 tuổi, trở thành ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam, đưa thanh toán không tiền mặt vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông Phạm Thành Đức, CEO MoMo, kể rằng trong suốt hơn một thập kỷ, để có được ngày hôm nay đã phải “đưa công ty đi cấp cứu” mấy lần, “suýt chết” mấy bận.
Ngay từ đầu, MoMo đã xác định tầm nhìn trở thành một công cụ tài chính cho mọi người dân Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả cho những người thu nhập thấp, và những tiểu thương chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Cho đến nay, ông Đức cho biết sứ mệnh đó vẫn đang được thực hiện, và trở thành động lực để công ty fintech này đóng vai trò dẫn dắt cuộc chơi thanh toán di động trong thời gian qua.
“Chúng tôi cảm thấy tự hào vì truyền cảm hứng cho cả các công ty khởi nghiệp mới lẫn những công ty lớn ở các lĩnh vực khác muốn tham gia vào phát triển nền kinh tế không tiền mặt ở Việt Nam”, CEO MoMo chia sẻ.
“Gần đây có nhiều các đơn vị được đầu tư rất nhiều tiền, có cả doanh nghiệp lớn trong nước tham gia, là tín hiệu đáng mừng. Vì nếu làm một việc mà chỉ có mỗi mình làm thì có khi là đi nhầm hướng, nhưng bây giờ cả làng cùng đi thì con đường chúng tôi đi chắc đúng rồi”, ông Phạm Thành Đức nửa đùa nửa thật.
Sản phẩm trí tuệ Việt, “đo ni đóng giày” cho người Việt
Khi bắt đầu với MoMo, ông Đức cho biết đã có tham khảo ở nhiều thị trường khác nhau, có lúc định mua một sản phẩm nào đó rồi về phát triển cho Việt Nam. Tuy nhiên cuối cùng MoMo quyết định tự xây dựng một phần mềm dựa trên trí tuệ Việt, dành cho người Việt.
Người tiêu dùng Việt Nam có đặc thù riêng, do đó cần một sản phẩm được “đo ni đóng giày” cho người Việt. Đó là lý do MoMo đã chiêu dụ nhiều nhân tài Việt Nam về để phát triển một sản phẩm nội địa thuần chất.
“Nếu có một điều gì để MoMo tâm đắc thì đó chính là đã tạo ra một sản phẩm trí tuệ Việt Nam. Chúng tôi thấy rằng cần phải sử dụng những kiến thức của mình, dựa trên nội lực của mình. Đây là thế mạnh và lợi thế của MoMo, và MoMo cam kết sẽ đi trước một bước hoặc vài bước so với đối thủ để sản phẩm đáp ứng nhanh nhất tới cộng đồng”, ông Đức nói.
Trong sự kiện được MoMo tổ chức gặp mặt giới truyền thông, ngoài các gương mặt quen thuộc của MoMo như ông Nguyễn Bá Diệp – Phó Chủ tịch và đồng sáng lập, ông Nguyễn Mạnh Tường – Phó Chủ tịch, còn có những gương mặt mới của công ty, như ông Nguyễn Xuân Trường – cựu CEO Ahamove, một nữ Giám đốc tài chính người Mỹ gốc Ấn. Ngoài ra, còn có ông Thuận Đỗ, cựu Tổng giám đốc một công ty bảo hiểm về làm Phó Chủ tịch MoMo.
Với lượng nhân tài hùng hậu mới gia nhập, ông Đức cho biết đã sẵn sàng trở thành một “chiến hạm” để ra khơi.
“Chúng tôi muốn biến MoMo thành môi trường mở để nhiều nhân tài thấy thú vị và tham gia vào. Startup cần tiền để mở rộng, nhưng điều quan trọng tiếp theo là phải có con người, để tham gia vào các trận chiến mà thắng thua không quan trọng, quan trọng là có thể dẫn nhau đến đích tiếp theo”, ông Đức khẳng định.
Siêu ứng dụng công-tài-trí
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó chủ tịch MoMo, cho biết gần đây các chợ ứng dụng như Google Play Store, Apple App Store “không biết xếp MoMo vào lĩnh vực nào”. MoMo ban đầu được xác định là ứng dụng tài chính, tuy nhiên gần đây đã phát triển rất nhiều ứng dụng bên trong, trong đó có nhiều hoạt động giải trí.
“MoMo đã từng cho tiền người dùng mới để họ sử dụng dịch vụ nhưng họ không xài. Từ đó chúng tôi nghĩ rằng nên thêm một chút gì giải trí thú vị để thu hút người dùng. Phải vui thì họ mới sử dụng”, ông Tường nói.
Với nhiều hoạt động giải trí như vậy, MoMo đang vừa là ứng dụng công nghệ, vừa là công cụ tài chính, vừa có yếu tố giải trí nên ông Tường gọi vui MoMo là ứng dụng công-tài-trí.
Từ đó, MoMo xây dựng các chiến dịch như Lắc Xì 12 con giáp rất thành công, hay gameshow Tường lửa mới đây và nay có thêm chú heo Hoàn tiền tiết kiệm.
Ông Tường cũng khẳng định những chiến lược quan trọng tại MoMo, gồm thu hút nhân tài Việt, trở thành siêu ví công-tài-trí và không từ việc nhỏ.
Các ngân hàng sẽ là nơi để thực hiện những giao dịch lớn, trong khi đó MoMo chỉ là cánh tay nối dài của ngân hàng và chăm chút các khoản thanh toán nhỏ. Do đó, công ty sẽ không từ các việc nhỏ, không coi thường việc lặt vặt. Từ những thứ nhỏ nhặt hàng ngày, MoMo sẽ lớn lên.
MoMo tham vọng có thể xây dựng một nền tảng đa dịch vụ, cung cấp nhiều nhất tính năng có thể cho người dùng Việt, để dù có chuyện gì xảy ra, người Việt vẫn có một vài nền tảng để sử dụng tốt.
Ông Tường cũng cho biết đang theo dõi kỹ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, và cho rằng dù bị Google “tẩy chay”, người dân Trung Quốc cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều vì họ đang dùng rất tốt các ứng dụng nội địa.
MoMo, công cụ để làm việc tốt
Nguyễn Xuân Trường, cựu CEO Ahamove, về MoMo để xây dựng nền tảng gây quỹ cộng đồng. Ông Trường cho biết kết hợp với một tờ báo, MoMo mới đây đã nhanh chóng thu được khoản tiền 300 triệu đồng để gây quỹ từ thiện.
Ông Trường kể câu chuyện trước đây tại Ahamove khi một nhân viên bị mất cắp, ông đã đứng ra vận động quyên góp, và MoMo – theo ông Trường – là công cụ tốt nhất để mọi người đóng góp khi đó.
Từ ý tưởng này, ông Trường cho biết khi MoMo là một chiếc ví của mọi người, mọi người có thể nhanh chóng dùng một ít tiền trong ví để làm việc tốt. “Có khi chúng ta muốn làm việc tốt nhưng cũng khó làm, vì không có phương tiện”, ông Trường cho biết. Và khẳng định sẽ xây dựng một tính năng trên MoMo để dùng cho việc kêu gọi quyên góp từ cộng đồng.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch MoMo, cũng bày tỏ mong muốn sẽ xây dựng MoMo trở thành một kênh kêu gọi vốn cộng đồng (fund raising), một kênh social payment. “MoMo đã trở thành một ứng dụng ví điện từ hàng đầu, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến việc phụng sự xã hội”, Phó Chủ tịch và đồng sáng lập MoMo khẳng định.