Không chỉ nhiều lần phản ứng gay gắt với startup bằng các cụm từ “ngáo giá’ – định giá doanh nghiệp quá cao, “ngáo nghệ”- lạm dụng thuật ngữ công nghệ để gom vào sản phẩm của mình,…mới đây nhất Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch tập đoàn NextTech còn chuyển sang “bắt bệnh” cho giới đầu tư – nhà đầu tư với một thuật ngữ do ông tự chế ra: “Ngáo bóng” và thổi bóng
Một trong những thương vụ đình đám nhất cho hiện tượng này là WeWork, startup từng được định giá lên tới 47 tỷ USD nhưng sau khi hồ sơ IPO được tung ra, con số này chỉ còn chưa đầy 10 tỷ USD.
Không phủ nhận trách nhiệm đầu tiên thuộc về Founder kiêm CEO Adam Neumann, nhưng Shark Nguyễn Hòa Bình cho rằng câu chuyện này còn có góc nhìn khác khá thú vị và tương quan với thị trường đầu tư công nghệ ngay tại Việt Nam hiện nay, đó là: Chính các nhà đầu tư đang “ngáo bóng”, chuyên bơm tiền vào để thổi bong bóng giá trị của các startup nhằm mục đích dễ kiếm lợi nhuận sau này.
Đại diện điển hình là Masayoshi Son, CEO của Softbank, một “phù thuỷ” về đầu tư công nghệ toàn cầu với các thương vụ đầu tư thành công kinh điển vào Yahoo và Alibaba từ 20 năm trước. Từ lợi nhuận và uy tín khổng lồ nhờ các thương vụ này, ông đã huy động được quỹ Vision Fund 100 tỷ USD để đầu tư vào các startup kinh tế chia sẻ tiếp theo như Uber, WeWork, Grab,…
Quy trình “thổi bóng” – ngáo bóng định giá startup của ông như sau:
1. Tìm một thị trường đủ lớn (Ví dụ: Gọi xe với Uber/Grab, bất động sản với WeWork) và bơm vốn thật mạnh qua nhiều vòng đầu tư để thực thi mô hình “lost leader” – bán hàng dưới giá vốn và chịu lỗ nặng. Mục tiêu hướng tới là educate (giáo dục) thị trường và đè chết các đối thủ.
2. Khi thị trường đã được educate và các đối thủ ít tiền hơn đã bị quét sạch vì không chịu nổi cạnh tranh giá thì tự nhiên startup trở thành nhà độc quyền. Khi đó startup có thể dễ dàng tăng giá sản phẩm, dịch vụ để kiếm được lợi nhuận, hoặc bán lại cho nhà đầu tư khác hay IPO lên sàn bán cho công chúng…
CEO Adam Neumann của WeWork, người vừa phải từ chức vì hàng loạt bế bối liên quan đến chuyện sử dụng cần sa, bòn rút tài sản công ty để chi tiêu xa xỉ cho mục đích cá nhân.
Tuy nhiên trong quan điểm của Shark Nguyễn Hòa Bình, phương thức thổi bóng – ngáo bóng startup này có thể mang lại các tác dụng phụ không móng muốn.
Đối với ngành: Kéo theo cả ngành phải “chạy đua vũ trang” bằng các vòng gọi vốn đốt tiền liên miên. Cuộc chơi khi đó trở thành game của các nhà đầu tư tài chính chứ không còn là của các doanh nhân công nghệ vốn phải lấy đổi mới sáng tạo làm nòng cốt nữa, vì đổi mới sáng tạo có thể bị triệt tiêu bởi chiêu “lấy thịt đè người” của một vài startup giỏi gọi vốn đốt tiền.
Đối với startup: Vì được bơm vốn không giới hạn, không cần đếm xỉa đến hiệu quả kinh doanh nên bản thân startup và nhà sáng lập trở nên hư hỏng, dựa dẫm thái quá vào vùng “Comfort Zone” (vùng thoải mái) là “Đốt, Đốt nữa, Đốt mãi”. Kết quá là họ đi quá xa, dẫn đến một mô hình kinh doanh không thể sinh lời được nữa.
Ngoài ra định giá được thổi lên quá nhanh sẽ dẫn đến tình trạng “ngáo giá”, không thể gọi vốn các vòng sau vì định giá quá cao. Khi đó nguy cơ đổ vỡ như WeWork là rất lớn.
Đối với xã hội: Giá trị cốt lõi của chủ nghĩa tư bản là các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm dịch vụ tốt và rẻ hơn nhờ cạnh tranh lành mạnh. Ngược lại, mô hình “Burn-to-Last” (đốt tiền để tồn tại) nói trên là phi kinh tế thị trường, bị các nhà phân tích phán xét là “ngụy tư bản”, tạo ra một thị trường thiếu lành mạnh và nguy cơ độc quyền hiển hiện. Hiểu một cách đơn giản thì hàng tốt (bởi các startup đổi mới sáng tạo nhưng ít vốn) có thể bị hàng rẻ và kém chất lượng (của các startup giỏi gọi vốn đốt tiền) đè bẹp và thao túng.
Từ đó, Shark Nguyễn Hòa Bình cho rằng bản thân các startup và ngay cả các nhà đầu tư cần phải tỉnh ra trong việc lạm dụng đòn bẩy vốn để thâu tóm thị trường. Ngoài ra, phía cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nhận biết các chiêu trò đầu tư thâu tóm thị trường để nhìn xa và điều tiết chính sách nhằm bảo vệ doanh nghiệp bản địa trước cơn bão vốn, tránh trường hợp thị trường công nghệ rơi vào tay một vài nhà tư bản nước ngoài.