Sản phẩm khởi nghiệp nông nghiệp theo hướng ĐMST đang gặp khó khăn về vấn đề đưa sản phẩm ra thị trường, cần có góc nhìn riêng cho các sản phẩm này để khích lệ tinh thần sáng tạo của các start up.
Với vai trò Trưởng làng Khởi nghiệp Công nghệ Nông nghiệp tại Techfest Việt Nam năm 2018, ông Đàm Quang Thắng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare nhận định, khởi nghiệp nông nghiệp đã có những thành công nhưng thất bại cũng tương đối nhiều bởi hoạt động kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp còn đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt về thị trường và người tiêu dùng. Khi khởi nghiệp và nhất là khi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bắt buộc sản phẩm ra phải có những tính mới, có những đặc thù riêng, vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để người nông dân tiếp cận được công nghệ mới, sản phẩm ra có thể tiếp cận được với thị trường và được thị trường chấp nhận.
– Những khó khăn đó cụ thể như thế nào, thưa ông?
Hiện nay có nhiều đơn vị ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong nông nghiệp, về góc độ bà con nông dân sẽ phải có một thời gian nhất định và khoản chi phí để tổ chức các lớp tập huấn bài bản giúp bà con có thể tiếp cận được các loại công nghệ. Đối với góc độ người tiêu dùng Việt Nam hiện nay cũng chưa thực sự tin tưởng vào sản phẩm nông nghiệp nước nhà, các start up và đặc biệt các start up theo hướng đổi mới sáng tạo sẽ phải đưa những cái mới lạ trong sản phẩm của mình, do đó start up sẽ cần thời gian dài và đầu tư nguồn lực để hoàn thiện mô hình kinh doanh, xây dựng chân dung khách hàng và thay đổi tự duy khách hàng về sản phẩm mới. Ngay chính bản thân các start up cũng cần rất nhiều chi phí để nâng cao trình độ công nghệ cho bản thân, đặc biệt với sản phẩm nông nghiệp công nghệ phải có cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm để thử nghiệm, phân tích sản phẩm vì nông nghiệp là một ngành đăc thù, mặc dù áp dụng công nghệ nhưng để có năng suất cao thì còn dựa vào nhiều yếu tố khác như thời tiết, khí hậu, kinh nghiệm của bà con nông dân…. Những nguồn lực như vậy thì tự các start up không thể đầu tư được mà phải có sự giúp đỡ từ hệ sinh thái.
– Với những khó khăn như thế thì các start up có thể tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu?
Đến thời điểm này các Bộ Ban ngành đã làm rất nhiều việc để hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt như Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) của Chính Phủ, ở bản thân hệ sinh thái đó có rất nhiều cấu phần cho việc xây dựng đội ngũ hỗ trợ.
Thứ hai, bản thân các trường đại học, các viện nghiên cứu cũng có một “ngân hàng về công nghệ” và các start up có thể sử dụng ngay các công nghệ đó để làm sao thương mại hóa các sản phẩm công nghệ ra thị trường.
Thứ ba, nguồn lực từ các chuyên gia, Đề án 844 có rất nhiều nhiệm vụ liên quan về việc đào tạo mạng lưới mentors để hỗ trợ start up. Những mentors đó có thể hỗ trợ start up theo từng lĩnh vực hoặc theo từng thế mạnh mà họ có.
– Với vai trò Trưởng làng Khởi nghiệp Công nghệ Nông nghiệp tại Techfest Việt Nam, ông sẽ có những hỗ trợ gì giúp các start up nông nghiệp?
Đối với tôi, quan trọng nhất của một start up muốn đưa sản phẩm ra thị trường là phải có mô hình kinh doanh, bởi vậy thông qua hoạt động mentors tôi sẽ tập trung giúp họ xây dựng và hoàn thiện mô hình kinh doanh để họ hình dung ra rõ chân dung khách hàng của mình, bán như thế nào, truyền thông thế nào…? Ngoài ra, chúng tôi có thể kết nối họ với các vườn ươm và nguồn lực của các trường, học viện, viện nghiên cứu, hoặc chúng tôi kết hợp với chính quyền địa phương và các bộ ban ngành để hỗ trợ các start up đưa sản phẩm đi ra ngoài thị trường thông qua các hoạt động của các cơ quan quản lý. Thậm chí chúng tôi cũng có thể là những nhà đầu tư, nếu start up thật sự có tâm huyết và một dự án khả thi thì chúng tôi sẵn sàng đầu tư vào những hạt giống đầu tiên.
– Vậy theo ông, về phía các vườn ươm về nông nghiệp đang hoạt động hiện nay cần bổ sung hoặc thay đổi gì để hỗ trợ được nhiều hơn cho các start up ?
Với quan điểm cá nhân tôi thấy rằng nguồn lực ở các vườn ươm tại các trường rất lớn khi có đội ngũ giảng viên chuyên ngành giàu kinh nghiệm, nhưng để đạt hiệu quả hơn nữa thì các vườn ươm phải tăng thêm yếu tố thị trường. Ngoài các yếu tố chuyên ngành, để doanh nghiệp có thể hình thành và phát triển các start up phải tiếp cận và cần học thêm các yếu tố về vốn, truyền thông, tài chính, các đối tác… Do đó, các vườn ươm cần bổ sung thêm các chuyên gia ở các lĩnh vực này, không ai khác những chuyên gia đó chính là là đội ngũ doanh nhân, họ có kiến thức thực tế, những câu chuyện họ chia sẻ, những kiến thức họ truyền đạt là những bài học vô cùng quý giá và có vai trò vô cùng quan trọng nếu start up muốn thành lập và phát triển doanh nghiệp.
– Với quy định hiện hành, start up nông nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo đang gặp những khó khăn gì trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, thưa ông ?
Sản phẩm nông nghiệp là sản phẩm có sự tác động trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người, vì thế để được phép lưu hành trên thị trường thì sản phẩm phải có sự kiểm định của cơ quan quản lý. Nhưng nếu áp tất cả các quy định hiện nay vào các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì các start up về công nghệ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ, khi đưa sản phẩm ra thị trường thì phải giải quyết vấn đề pháp lý như sản phẩm đã được phép lưu hành chưa, đã được các cơ quan xét duyệt hay chưa? Nhưng để start up có thể giải quyết được hết các thủ tục này thì sẽ phải tốn thêm rất nhiều thời gian và chi phí. Cái khó hơn nữa của các start up là làm sao để sản phẩm được cấp phép, để cấp phép một sản phẩm với quy định hiện nay ràng buộc rất nhiều điều kiện như chất lượng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị, quy mô sản xuất cho đến việc hoàn thiện các thủ tục để chứng minh sản phẩm đó an toàn… với nguồn lực của start up đó là một điều cực kỳ khó để đáp ứng.
– Vậy theo ông chúng ta sẽ phải làm thế nào để hỗ trợ các start up để khích lệ và khai thác được hết sự sáng tạo của các start up ?
Như chúng ta biết, để hoàn thành một sản phẩm có tính mới phải tiêu tốn rất nhiều nguồn lực, mà nguồn lực đó tiêu tốn xong không thể góp ích cho xã hội thì đó là một sự lãng phí rất lớn, nó vô tình làm mất đi cơ hội của các start up và đánh mất đi cơ hội được tiếp cận cái mới của người tiêu dùng. Theo tôi nên có sự tách biệt giữa các sản phẩm nông nghiệp khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp truyền thống, cần có một “lối đi riêng” cho các start up để có thể hỗ trợ họ đưa sản phẩm của mình ra được thị trường. Dưới góc nhìn chuyên ngành, nếu sản phẩm đó thực sự có tính ưu việt, an toàn và có khả năng cao đóng góp cho công động thì chúng ta nên tạo môi trường tốt nhất cho các start up hoạt động. Ngoài ra, chúng ta cũng nên có một tổ chức nào đó đứng lên để hỗ trợ các start up giải quyết các vấn đề pháp lý hoặc một bộ tiêu chí riêng cho các sản phẩm nông nghiệp khởi nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo, những điều đó chúng ta có thể làm ngay được và ngay bản thân start up cũng sẵn sàng phát huy tính sáng tạo của mình… Có như thế mới có thể khích lệ và khai thác hết được các nguồn lực của xã hội trong việc sáng tạo.