Như với EVFTA, sau khi ký kết chính thức, hiện 2 bên đang trong quá trình vận động phê chuẩn và nếu được thông qua vào cuối năm nay, từ đầu năm sau sẽ có những thuận lợi, ưu đãi trong lĩnh vực nông thủy sản. Các doanh nghiệp liên quan lĩnh vực công nghệ chế biến ở các ngành nông sản, thực phẩm, thủy sản… sẽ chịu tác động trực tiếp.
Ngày 21-8, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA): Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm, quyết định sự thành công trong công tác hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam. Trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… đều có những nội dung quan trọng về mở cửa thị trường, tạo điều kiện ưu đãi trong lĩnh vực nông thủy sản.
Khoảng 50% số dòng thuế ngành thủy sản sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, giảm từ 6%-22% hiện nay về 0%; các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước trái cây xóa bỏ thuế ngay; cà phê, tiêu, điều, mật ong tự nhiên… cũng vậy. EU cũng dành tổng lượng hạn ngạch gạo khoảng 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm với mức thuế 0%…
“Trong bối cảnh hội nhập, các cam kết từ những hiệp định này cũng đồng nghĩa việc mở cửa thị trường, chấp nhận cạnh tranh, thách thức, nhất là ngành nông nghiệp vốn còn điểm yếu, chưa hoàn thiện. Cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý trong xây dựng chính sách vĩ mô, cùng các sở ngành địa phương, hiệp hội tạo điều kiện cho doanh nghiệp hưởng lợi từ hội nhập” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng nhìn nhận chưa có một hiệp định thương mại nào dù chưa được phê chuẩn chính thức nhưng các bộ ngành đã triển khai quyết liệt, trong lĩnh vực nông nghiệp như EVFTA. Điều này thể hiện quyết tâm, ý thức được tầm quan trọng của hiệp định này với ngành nông nghiệp.
“Trước đây, các FTA cứ ký xong là xong, rồi thị trường, doanh nghiệp tự chuyển đổi, thích nghi, nhưng nay đã khác. Quy mô nền kinh tế lớn hơn, độ mở nền kinh tế lớn nhiều nên cần sự chuẩn bị kỹ càng. EVFTA là hiệp định thế hệ mới nhất, có sự cam kết sâu rộng nhất khi hầu hết các nhóm hàng có thuế suất đều đưa dần về 0% trong một lộ trình ngắn nhất” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn chứng.
Dù vậy, để tận dụng lợi thế, khai thác lợi ích thì cần phân tích và có chiến lược cụ thể xem nhóm hàng nào, ngành gì, mặt hàng nào sẽ bị tác động, ảnh hưởng để ứng phó, thích nghi. Bởi theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không phải cứ thấy lợi ích, ưu đãi nhiều rồi vui mừng mà không có chiến lược. Thuế suất về 0% nhưng hàng rào phi thuế quan sẽ dựng rất chặt, sẽ khó trong điều kiện sản xuất manh mún của doanh nghiệp hiện nay.
“Lúc này, hàng Việt không đủ tiêu chuẩn không vào nổi thị trường EU, trong khi đó hàng ngoại (nông sản) từ khu vực này sẽ tràn vào thị trường Việt Nam để khai thác thị trường 100 triệu dân vốn được xem là tiềm năng. Hiện tại một số nước EU, giá thành thịt heo chỉ 26.000-28.000 đồng/kg, sẽ là nguy cơ nếu chúng ta không củng cố thị trường tốt” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận xét.
Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ xây dựng chương trình hành động tổng thể, toàn diện, tập trung vào công tác cung cấp thông tin cho cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người dân, giúp mọi thành phần của nền kinh tế nắm bắt các nội dung; tập trung làm rõ các cơ hội, thách thức trong EVFTA.