Shop&Go: chuyển nhượng chuỗi cửa hàng – một câu chuyện cay đắng

Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam lần đầu nói về chuyện chuyển nhượng chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go và cho rằng, đây là một …“câu chuyện cay đắng”.

 Shop&Go

Trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn CEO – Chìa khóa thành công có chủ đề từ khởi nghiệp tới thành công bền vững trong thời kinh tế số, được tổ chức ngày 27/9 tại TP.HCM, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam lần đầu trải lòng về thất bại của mình và được vị doanh nhân đa tài này gọi là… “câu chuyện cay đắng”. Đó là việc chuyển nhượng chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go.

Cửa hàng đầu tiên của Shop&Go đi vào hoạt động năm 2006 tại TP.HCM. Tới thời điểm đầu năm 2019, chuỗi này vận hành 87 cửa hàng, trong đó có 70 cửa hàng tại TP.HCM và 17 cửa hàng tại Hà Nội, tập trung ở trong các quận nội thành.

Shop&Go đi theo mô hình cửa hàng tiện lợi với đặc trưng hoạt động 24/24h mỗi ngày, kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, đồ ăn nhanh, thức uống pha chế, các dịch vụ tiện ích như máy rút tiền tự động ATM, bán thẻ nạp điện thoại, thẻ gọi điện thoại đường dài IDD card… Đối tượng khách hàng chính của Shop&Go là những người nhắm đến sự tiện lợi trong phong cách phục vụ với những sản phẩm chất lượng cao, môi trường sạch sẽ và hiện đại tại cửa hàng.

Tuy nhiên, tháng 4/2019, toàn bộ chuỗi này được chuyển giao cho Công ty VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup với giá 1 USD. Thương vụ này được dư luận đánh giá là hy hữu chưa từng có trong lịch sử ngành bán lẻ Việt Nam. Điều đáng nói là đề xuất này được đưa ra từ chính đơn vị chủ sở hữu chuỗi này.

“Thị trường bán lẻ Việt Nam được nhìn nhận là rất tiềm năng với quy mô gần 100 triệu dân. Chúng tôi đầu tư rất nhiều, song kết quả không được như kỳ vọng. Cạnh tranh là rất khốc liệt chứ không đơn giản như hình dung của chúng tôi”, ông Nam trải lòng.

Trong khi đó, Vingroup đã chứng minh được sự quyết tâm, năng lực vượt trội và đặc biệt là cái tâm của họ khi tham gia vào lĩnh vực bán lẻ nên đã quyết định chuyển lại Shop&Go để họ tiếp tục đầu tư, phát triển.

Từ kinh nghiệm của người trong cuộc, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam tin rằng, thời điểm này, dù có rất nhiều doanh nghiệp đang tham gia vào lĩnh vực bán lẻ, trong đó có kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện lợi, nhưng dường như là chưa có doanh nghiệp nào có được hiệu quả như tính toán ban đầu.

 Shop&Go

“Với tôi, đây là một câu chuyện đắng cay. Khi chuyển nhượng, tôi còn nói với một số anh em báo chí, truyền thông là đừng đưa tin”, ông Nam nhớ lại và đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp start-up là cần có sự lựa chọn kỹ càng về ngành nghề khi khởi nghiệp. Đồng thời, cũng cần có những tư vấn, lựa chọn đúng tầm nhìn cho doanh nghiệp của mình.

Ông Nguyễn Hoài Nam là Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam. Tập đoàn Berjaya được biết đến là đối tác duy nhất của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) trong dự án triển khai kinh doanh xổ số tự chọn tại Việt Nam trong 18 năm.

Ngoài ra, ông hiện còn đang đứng đầu Công ty cổ phần Truyền thông và Đầu tư Nam Hương và nắm giữ các vị trí chủ chốt trong hàng loạt công ty liên quan tới Berjaya…

Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam còn được biết đến là người đam mê thể thao, đặc biệt là bóng đá.

Câu chuyện được dư luận nhắc nhiều đến là vào năm 2018, ông đã tranh cử vào vị trí Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ  2018-2022, nhưng không thành công, dù tuyên bố có thể mang lại số tiền tài trợ cao hơn 30% mức cao nhất của VFF vào năm 2017.

Hiện nay, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam là thành viên HĐQT Đội bóng ngoại hạng của Bỉ – Kortijk; Chủ tịch Đội bóng đá Sarajevo – Bosnia…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here