Theo lời giới thiệu của Hải Hồ, nhà sáng lập Triip, dựa vào nền tảng blockchain, Triip cho phép tạo lịch trình du lịch dựa theo nhu cầu của khách hàng, sau đó dữ liệu được lưu vào các máy chủ ngẫu nhiên (hoạt động độc lập).
Khi sử dụng Triip, doanh nghiệp du lịch địa phương có thể tiết kiệm từ 50 – 90% chi phí bán hàng. Đổi lại, người dùng của Triip luôn nhận ưu đãi tốt nhất từ các đối tác (bao gồm 28,9 triệu khách sạn và 6000 người hướng dẫn tour trên toàn thế giới).
Hải Hồ chia sẻ, trước khi tham gia gọi vốn trên sóng truyền hình với Shark Tank Việt Nam, đội ngũ Tripp chia nhau xem tất cả các tập của chương trình từ mùa 1 cho đến đến thời điểm đi thi.
Trong đó, họ phân tích từng nhà đầu tư nào thường đưa ra mức định giá bao nhiêu, hay rót vốn ở mức nào, tỉ lệ thành công là bao nhiêu và câu hỏi thường đặt ra với start-up là gì?
Trước khi thực hiện buổi gọi vốn, Triip đã xác định ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT Intracom Group là nhà đầu tư có khả năng sẽ tham gia vào thương vụ rót 500.000 USD.
Tự định giá, Triip đưa ra giá trị công ty ở mức 10 triệu USD bằng cách tính dựa trên GMV (tổng giá trị giao dịch-PV),…Cùng với đó, đội ngũ này còn kết hợp với 3 – 4 phương pháp tính giá trên thị trường cũng như sử dụng nguồn dữ liệu từ cách định giá qua các tập của Shark Tank để có số liệu cuối cùng.
“Toàn bộ câu hỏi các nhà đầu tư đưa ra trong buổi gọi vốn đều có trong tệp dữ liệu Excel mà Triip đã tổng hợp, ghi chú lại qua các tập của chương trình nên chúng tôi không có bị bất ngờ khi bị đặt câu hỏi”, Hải Hồ chia sẻ.
Khác mục đích, khác mức định giá
Xác định mục đích hoán đổi cổ phần lấy vốn đầu tư của start-up và nhà đầu tư sẽ quyết định phương pháp họ đưa ra mức định giá.
Có nhiều phương pháp định giá nhưng theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thế Kỷ CenGroup, quan trọng nhất là xác định mục đích của người định giá khi gọi vốn . Họ muốn định giá tương lai của mình, của doanh nghiệp, còn nhà đầu tư có khi lại muốn mua cái hiện tại.
Mục đích, kỳ vọng khác nhau có thể dẫn đến mức chênh lệch giá trị doanh nghiệp giữa nhà đầu tư và start-up.
Khi đầu tư vào mỗi dự án, ông Phạm Thanh Hưng đưa ra 2 cân nhắc: Một là mua nhằm mục đích bổ sung vào hệ sinh thái sẵn có trong lĩnh vực bất động sản và sẵn sàng đưa ra mức định giá cao hơn các nhà đầu tư tài chính khác.
Trong khi đó, nếu đầu tư ngoài lĩnh vực bất động sản, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup thường tham khảo, dựa vào quan điểm của nhà đầu tư tài chính thuần túy.
Trong khi đó, với nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ như ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám Đốc Quỹ Đầu Tư Cyber Agent Việt Nam và Thái Lan thì đa số là đầu tư vào một ý tưởng còn mới, mà những gì đang mới, chưa thành hiện thực được nhiều người gọi là đang mơ.
Bởi, công nghệ khiến sự dịch chuyển của các ngành nghề, sự dịch chuyển của thế giới đang diễn ra nhanh chóng.
Thêm vào đó, trước khi rót vốn, nhà đầu tư và start-up đã trải qua quá trình thảo luận về chiến lược kinh doanh. Hàng loạt vấn đề được đặt ra, sản phẩm bán cho ai, lợi thế cạnh tranh là gì, điểm mạnh/yếu của đối thủ cạnh tranh,… cũng như cần chiếm lĩnh thị trường theo phương cách nào,…
“Có một logic là khi, đã nhìn thấy rủi ro thì không còn là rủi ro nữa. Ví dụ, nếu tôi đầu tư vào cổ phiếu trên sàn chứng khoán chắc chắn sẽ là rủi ro, bởi tôi không hiểu và cũng không quan tâm đến cổ phiếu. Nhưng với start-up thì xác suất thành công của tôi sẽ cao hơn bởi vì tôi có kinh nghiệm”, ông Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ.