Ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam cho biết, Uniqlo Đồng Khởi là một trong những cửa hàng lớn nhất của Uniqlo khu vực Đông Nam Á, với 3 tầng.
Đại diện này kỳ vọng đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn giữa bối cảnh ngành bán lẻ đang vô cùng sôi động tại TP.HCM.
Nhân ngày khai trương, Uniqlo sẽ ra mắt Chiến dịch Nâng Chuẩn Mỗi Ngày (Elevate Everyday) với hàng loạt người nổi tiếng như diễn viên Ngô Thanh Vân, cầu thủ Bùi Tiến Dũng, người mẫu Tống Khánh Linh…
Uniqlo là thương hiệu lớn nhất trong sáu thương hiệu chính của Tập đoàn Fast Retailing – công ty cổ phần bán lẻ Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo. Các thương hiệu khác bao gồm GU, Theory, Helmut Lang, PLST (Plus T), Comptoir des Cotonniers, Princesse tam.tam và J Brand.
Uniqlo liên tục mở các cửa hàng quy mô lớn ở các thành phố và quốc gia trên thế giới, như một phần trong nỗ lực giành vị thế hàng đầu trên thị trường.
Hiện, công ty này có hơn 2.200 cửa hàng tại 24 thị trường bao gồm Nhật Bản và có mặt tại 24 quốc gia khác (bao gồm thành lập một doanh nghiệp xã hội ở Bangladesh cùng với Ngân hàng Grameen 9 năm trước).
Thị trường bán lẻ thời trang nhanh tại Việt Nam đang thu hút sự xuất hiện và cạnh tranh của hàng loạt thương hiệu quốc tế như H&M, Zara. Trong năm 2018, trung bình mỗi ngày, H&M Việt Nam thu về khoảng hơn 1,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính của Zara Việt Nam, doanh thu năm 2018 của hãng đạt hơn 1.700 tỷ đồng với 2 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM.
Zara thuộc sở hữu của tập đoàn Inditex, có trụ sở ở Tây Ban Nha. Các cửa hàng Zara tại Việt Nam do đối tác của Inditex tại Indonesia là Mitra Adiperkasa (MAP) vận hành.
Bên cạnh công ty Mitra Adiperkasa Việt Nam để kinh doanh Zara, MAP đồng thời lập 3 pháp nhân khác để kinh doanh các thương hiệu Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti tại Việt Nam.
Công ty nghiên cứu thị trường Statistics Portal (Đức) đưa ra dự báo, tốc độ tăng trưởng hàng năm của thời trang Việt Nam giai đoạn 2017-2022 là 22,5%. Mức tăng trưởng này có thể đưa quy mô thị trường đạt 988 triệu USD vào năm 2022.