Tổng Giám đốc VinTech City (thuộc Tập đoàn Vingroup) Trương Lý Hoàng Phi đã có những chia sẻ về những dự án đầu tiên được Quỹ VinTech Fund rót vốn.
VinTech Fund và sự khác biệt “make in Việt Nam”
Hiện nay có nhiều quỹ tài trợ và hỗ trợ nghiên cứu khoa học, vậy điểm khác biệt của VinTech Fund là gì, thưa bà?
Định hướng ứng dụng và thị trường mạnh mẽ là yếu tố cốt lõi tạo nên sự khác biệt của VinTech Fund. Hội đồng Chuyên gia của VinTech City và VinTech Fund là nơi gặp gỡ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và những nhà kinh doanh, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Họ cùng nhau mang góc nhìn chuyên môn của mình đến để thẩm định, cố vấn và hỗ trợ các nghiên cứu. Khác biệt đó rõ ràng được thể hiện xuyên suốt toàn bộ quá trình trước, trong và sau tài trợ.
Ở góc độ khác, các chủ nhiệm đề tài nhận tài trợ lần này biết rất rõ những nguồn lực quan trọng hơn tài chính mà VinTech Fund có thể hỗ trợ. Điển hình là một hệ sinh thái trên mọi lĩnh vực của Vingroup, nơi có thể là “vườn ươm” để các sản phẩm ứng dụng có cơ hội trải nghiệm thực tế trước khi được thương mại hóa. Riêng điều này đã là một lợi thế rất khó tìm kiếm ở bất cứ đâu khác.
Việc tìm kiếm các dự án tài trợ đáp ưng được những tiêu chí có lẽ không phải chuyện dễ dàng…
Thú thật là có một chút khó khăn bởi định hướng nghiên cứu ứng dụng của VinTech Fund đòi hỏi cả năng lực nghiên cứu khoa học lẫn góc nhìn thị trường. Tìm kiếm những nhóm nghiên cứu đáp ứng tiêu chuẩn “2 trong 1” như vậy không dễ chút nào.
Chỉ sau 1 tháng ra thông báo, Quỹ VinTech Fund đã nhận được hơn 200 hồ sơ. Chúng tôi nhìn thấy rõ hai “trường phái”, hoặc thiên về nghiên cứu khoa học, chưa có nhiều thông tin thị trường, hoặc thuần về tính cải tiến công nghệ cơ bản để thương mại. VinTech Fund đòi hỏi cả luận chứng thuyết phục, nổi bật về tính khác biệt của công nghệ và khả năng chinh phục thị trường của sản phẩm.
Để được tài trợ, các dự án lần này phải đạt được những yêu cầu gì từ Quỹ?
Các dự án nhận tài trợ đáp ứng 03 yêu cầu cốt lõi: Một là, hàm lượng và lợi thế cạnh tranh về mặt công nghệ. Hai là khả năng thương mại hóa và ba là khả năng, năng lực thực thi của nhóm nghiên cứu, đặc biệt người chủ trì. Ngoài ra, VinTech Fund cũng yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ tích cực giữa nhóm nghiên cứu và các trường đại học tại Việt Nam.
Ngoài chuyên môn, bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu, điều khiến tôi cảm thấy rất tự hào là tất cả chủ nhiệm dự án nhận tài trợ lần này đều mong muốn đóng góp cho quá trình đào tạo của các trường đại học, cho nguồn nhân lực công nghệ tại Việt Nam, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng. Đây cũng là một trong những mục tiêu của VinTech Fund. Chúng tôi muốn tạo ra môi trường, chất xúc tác để phá bỏ các rào cản về yếu tố tâm lý lẫn địa lý để các nhà khoa học cùng nhau cộng tác và có thể thực hiện trách nhiệm xã hội.
Được biết, một số dự án được VinTech Fund tài trợ lên tới 10 tỉ đồng và tất cả các dự án nhận tài trợ đều không có ràng buộc về quyền lợi của nhà đầu tư. Bà có nghĩ điều này có phần mạo hiểm với khoản đầu tư của Quỹ không?
Nếu đặt vào vị trí nhà đầu tư, lợi ích kinh tế là cốt lõi thì tôi nghĩ ý kiến này có lý. Tuy nhiên, VinTech Fund lại hình thành trên ý tưởng hỗ trợ nguồn lực và tạo ra chất xúc tác thúc đẩy môi trường nghiên cứu ứng dụng Việt Nam, do vậy, chúng tôi quan tâm đến tầm nhìn dài hạn hơn.
Nếu nói tới rủi ro, tài chính là một khía cạnh. Nhưng với chúng tôi, sự lãng phí tài năng, trí tuệ hay việc đánh mất cơ hội đưa một sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích đến cộng đồng mới là loại rủi ro cao nhất và đáng tiếc nhất. VinTech Fund nỗ lực không để lãng phí tài năng và trí tuệ của các nhà khoa học Việt và đương nhiên chúng tôi cũng tin rằng các nhà nghiên cứu Việt, startup công nghệ mạnh cũng sẽ cố gắng để không mất đi cơ hội của chính mình. Chúng tôi muốn nhấn mạnh, đầu tư hay tài trợ cho nghiên cứu, trọng tâm vẫn là đặt niềm tin vào con người.
Truyền cảm hứng cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Với mục tiêu trở thành hình mẫu Silicon Valley tại Việt Nam, hiện tại VinTech City đã và đang làm những gì để đạt mục tiêu này, thưa bà?
Việc VinTech Fund tài trợ cho các dự án khoa học ứng dụng chính là một trong những bước đi của VinTech City, nhằm hỗ trợ các nghiên cứu sâu có cơ hội bước ra thị trường khởi nghiệp. Và điều tôi tâm đắc nhất, cũng là điều VinTech City đã làm được nhiều nhất chính là truyền cảm hứng, thúc đẩy cho cộng đồng nghiên cứu khoa học ứng dụng, những startup công nghệ được hình thành trên nền tảng nghiên cứu đầu tư mạnh mẽ hơn vào các lợi thế của mình. Với chúng tôi, điều này vô cùng quan trọng vì điều chúng tôi hướng đến là khuyến khích tính hợp tác hành động trên cơ sở tận dụng nguồn lực lẫn nhau giữa cộng đồng nghiên cứu, những thành tố hỗ trợ.
Để làm được điều này là không dễ vì việc thúc đẩy hợp tác thông qua những chương trình cụ thể và thực tế vẫn chưa nhiều tại Việt Nam. VinTech City trong thời gian ngắn đã triển khai 06 chương trình thúc đẩy hợp tác và tận dụng nguồn lực của các thành tố trong hệ sinh thái nghiên cứu ứng dụng và khởi nghiệp công nghệ. Có thể nói đây là tín hiệu tốt cho những bước đi ban đầu.
Vậy theo bà, VinTech City đã đi được đến đâu trên hành trình hướng đến “Thung lũng Silicon của Việt Nam”?
Rõ ràng đó là một hành trình rất dài và còn rất nhiều việc cần làm. Với bài toán nhân lực, VinTech City dù mới bắt đầu nhưng đã thu hút và mở rộng hợp tác với gần 60 trường đại học tại Việt Nam thông qua nhiều hoạt động cụ thể. Chúng tôi đồng thời cũng đã tìm kiếm, thu hút mạng lưới các chuyên gia người Việt đạt được nhiều thành công và có tầm ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực của họ tại các quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển.
Với VinTech City, đó là những “đồng đội” ban đầu rất quan trọng đã và đang đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái khoa học công nghệ và khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Chính họ đã và đang cùng VinTech City tạo ra các chương trình đào tạo, hợp tác đào tạo, tìm kiếm, phát triển các chương trình hỗ trợ nguồn nhân lực khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao.
Với 06 chương trình chính thức đang vận hành, VinTech City đã mang đến cơ hội và giúp cho 100.000 nhân lực công nghệ ở nhiều nhóm đối tượng khác nhau tại Việt Nam có điều kiện tham gia, hiện thực hoá các ý tưởng cũng như tạo ra tính kết nối mang tính chất nền tảng thúc đẩy hệ sinh thái khoa học công nghệ chuyển mình mạnh mẽ hơn.
Danh sách các dự án nhận tài trợ của VinTech Fund
1. Công ty Earable Việt Nam – ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM – GS. Vũ Ngọc Tâm: Phát triển hệ thống theo dõi và cải thiện giấc ngủ
2. ĐH Khoa học Tự nhiên, Hà Nội – TS. Nguyễn Trần Thuật: Nghiên cứu phát triển công nghệ chế tạo cảm biến ảnh hồng ngoại nhiệt ứng dụng trong an ninh quốc phòng và dân dụng
3. Công ty Cổ phần Quốc tế AOTA – ĐH Quốc tế, ĐH Quốc Gia, TP HCM ĐH Bách khoa TP HCM – TS. Lưu Xuân Cường: Nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ phân tách và tinh chế hoạt chất từ thảo mộc và công nghệ nano nhũ hóa năng lượng thấp nhằm sản xuất dược mỹ phẩm và chế phẩm sử dụng trong nông nghiệp công nghệ cao
4. CTCP Dịch vụ và Giải pháp xử lý dữ liệu Vbee – ĐH Bách Khoa Hà Nội – TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Ông Hồ Minh Đức: Giải pháp chuyển đổi văn bản thành tiếng nói tiếng Việt tự nhiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo – Vbee Vietnamese Text to Speech
5. Công ty TNHH Tay Máy Việt Nam (VIETMANI) – ĐH Bách Khoa Hà Nội – ThS. Lê Đăng Thắng: Nâng cao năng lực sản xuất và thương mại hóa tay máy công nghiệp
6. ĐH Cần Thơ – PGS. TS. Vũ Ngọc Út: Nghiên cứu nuôi sinh khối quy mô lớn giun nhiều tơ và ốc mượn hồn làm thức ăn nuôi vỗ tôm biển (Litopenaeus vannamei và Penaeus monodon) bố mẹ
7. Công ty cổ phần dịch vụ khoa học than hoạt tính The AC House – ĐH Khoa học Tự nhiên, Hà Nội – ThS. Mai Thị Nga: Nghiên cứu chế tạo Than hoạt tính hiệu năng cao từ cây Guột ứng dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm
8. ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG TP HCM – ThS. Nguyễn Đình Hiển – ThS. Huỳnh Lê Tấn Tài: Nghiên cứu độ đo đánh giá tầm ảnh hưởng và sự lan tỏa thông tin trên mạng xã hội và Xây dựng hệ thống quản trị chiến lược tiếp thị ảnh hưởng trên mạng xã hội
9. ĐH Công nghệ – Đại học Quốc Gia Hà Nội – PGS.TS. Phan Xuân Hiếu: Nghiên cứu và phát triển nền tảng tự động phân tích và hiểu khách hàng ứng dụng trong bán lẻ, thương mại điện tử, và quảng cáo trực tuyến
10. ĐH Cần Thơ – PGS. TS. Ngô Quang Hiếu: Phát triển cầu trục bốc dỡ container tự động từ tàu lên bờ cho các cảng nhỏ
11. Công Ty TNHH Bonbouton Incorporation – ĐH Bách Khoa Hà Nội – TS. Lê Tùng Linh: Phát triển công nghệ ứng dụng cảm biến điện cơ từ vật liệu nano Graphene
12. ĐH Hàng Hải Việt Nam – TS. Phạm Đình Bá: Phát triển một ball robot (ballbot) hỗ trợ bệnh nhân và bác sĩ trong bệnh viện