Về sản phẩm xe máy điện, Nguyễn Bá Cảnh Sơn cho biết các bộ phận của xe đều do Datbike thiết kế và được sản xuất tại Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Hong Kong và Hàn Quốc. Một chiếc xe máy điện Datbike có giá 59,9 triệu đồng, hiện khuyến mãi còn 39,9 triệu đồng.
Trong tập 10 chương trình Shark Tank Việt Nam phát sóng tối 25/9, mở đầu màn gọi vốn, Datbike, dự án chuyên nghiên cứu và sản xuất xe máy điện, cho trình diễn đi xe máy điện trên sân khấu của chương trình.
Shark Liên cho biết cảm thấy toát mồ hôi khi ngồi chứng kiến. Đáp lại, Shark Việt hài hước: “Toát mồ hôi chứ lị, vãi cả mồ hôi lưng”. Trong khi đó, Shark Dũng tỏ ra hứng thú và leo lên một chiếc xe máy điện đi thử.
Đến chương trình Shark Tank Việt Nam, Nguyễn Bá Cảnh Sơn, Co-Founder kiêm CEO Datbike, kêu gọi 50.000 USD cho mỗi 0,5% cổ phần.
Startup giới thiệu sau nhiều năm làm kỹ sư phần mềm ở Mỹ, anh quyết định trở lại làm việc tại Việt Nam. Nguyễn Bá Cảnh Sơn nêu thực trạng ô nhiễm môi trường và cho biết mục tiêu của mình là không muốn thấy ai ra đường phải sử dụng đến khẩu trang.
Biết Nguyễn Bá Cảnh Sơn từ trước, Shark Dũng đánh giá cao sự dấn thân của startup này khi dám bỏ công việc nhiều người mơ ước về Việt Nam chọn hướng đi nghĩ đến môi trường. Shark Dũng gọi những người như Sơn là thế hệ thanh niên “đi thật xa để trở về”.
Về sản phẩm xe máy điện, Nguyễn Bá Cảnh Sơn cho biết các bộ phận của xe đều do Datbike thiết kế và được sản xuất tại Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Hong Kong và Hàn Quốc. Một chiếc xe máy điện Datbike có giá 59,9 triệu đồng, hiện khuyến mãi còn 39,9 triệu đồng.
Datbike mở bán xe được hơn 1 tháng và có 60 người đăng ký mua. Doanh thu dự kiến là 100.000 USD. Với quy mô sản xuất hiện tại, dự án Datbike chưa có lãi. Tuy nhiên, theo CEO, nếu bán được 1.000 chiếc thì tỷ suất lợi nhuận gộp là 30%, 10.000 chiếc sẽ lãi 30-40%. Khi đó, chi phí sản xuất chỉ còn khoảng 25 triệu đồng.
Nhà máy của Datbike đang đặt ở Đà Nẵng, công suất 1.000 xe/tháng. Công suất động cơ là 4.500 W, sạc đầy pin dưới 3 tiếng và đi được 100 km. Tốc độ tối đa của xe đạt 80 km/h và để tăng tốc từ 0 km lên 50 km, cần dưới 3 giây.
Các Shark đánh giá công suất xe quá lớn, không an toàn. Startup khẳng định tất cả yếu tố đều lập trình được, đội ngũ Datbike sẽ chỉnh tùy theo người sử dụng.
Hiện tại, vốn điều lệ của Datbike là 1 tỷ đồng, vốn thực góp khoảng 5 tỷ đồng. Dự án chỉ có 2 cổ đông, là co-founder. Còn những nhà đầu tư đóng góp theo hình thức cổ phiếu chuyển đổi nhưng chưa có ai chuyển đổi.
“Anh chẳng thấy em có cơ hội gì cả. Cụ thể, so với xe của những ông lớn sản xuất và có mạng lưới phân phối luôn trên toàn quốc, giá thành rẻ hơn của em nhiều”, Shark Bình nhận định.
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của NextTech Group cho rằng có thể startup đang vướng vào việc tạo ra sản phẩm mà người dân chưa chắc đã cần hoặc có cũng được, không có cũng được. Shark Bình quyết định không đầu tư.
Shark Bình phân tích với số tiền 39,9 triệu đồng, người dân sẽ cân nhắc mua một chiếc xe máy chạy xăng rất đẹp và tiện ích.
Đồng quan điểm, Shark Liên đặt câu hỏi với giá 39,9 triệu đồng, làm sao xe máy điện Datbike cạnh tranh được với các hãng khác. Bà cũng cho rằng giá trị công ty đang được đánh giá quá cao.
Startup đưa ra dẫn chứng về 2 công ty sản xuất xe điện hàng đầu thế giới tại Trung Quốc và Đài Loan khi mới thành lập đã có giá trị 50 triệu USD. Hiện tại, cả hai đều trên 1 tỷ USD.
CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn cũng cho biết nhu cầu xe điện trên thế giới rất cao, mỗi năm tăng trưởng 10%. Thị trường xe điện đang trị giá 30 tỷ USD, dự báo đến 2025 sẽ thành 60 tỷ USD. Việt Nam là thị trường tiềm năng và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung.
Shark Dũng đồng tình xe máy điện sẽ là xu thế trong tương lai. Dù rất muốn ủng hộ, “cá mập” này cho biết sản xuất không phải lĩnh vực thế mạnh nên quyết định không đầu tư.
Shark Liên đánh giá cao khả năng của CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn. Tuy nhiên, Shark Liên cho rằng không hỗ trợ được startup nên cũng không đưa ra lời đề nghị.
Trong khi đó, Shark Việt và Shark Bình khuyên startup tìm hướng đi mới, riêng Shark Việt nhắn Nguyễn Bá Cảnh Sơn nên nghiên cứu ứng dụng của công nghệ thông tin. Cả 2 Shark quyết định không đầu tư.
Chỉ có Shark Hưng đưa ra offer 60.000 USD cho 2% cổ phần, kèm 2% ESOP có điều kiện đi kèm. Shark Hưng thông tin đang đàm phán với một quỹ đầu tư rất lớn, lên đến hàng chục triệu USD cho việc sản xuất xe. Vị “cá mập” khẳng định startup đang đứng trước cơ hội để hợp tác.
Tuy nhiên, trong vòng 1 năm tới, CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn cho biết dự án cần 1 triệu USD. Đại diện Datbike mong muốn 60.000 USD cho 2% cổ phần, kèm 2% ESOP có điều kiện đi kèm. Shark Hưng chấp nhận đầu tư.
Cuối màn gọi vốn, Nguyễn Bá Cảnh Sơn bày tỏ niềm vui khi được hợp tác cùng Shark Hưng. CEO này cho rằng đây là cơ hội để đẩy nhanh cuộc cách mạng xe điện.