Dòng vốn ngoại, bao gồm vốn Hàn Quốc, được dự báo sẽ tiếp tục chảy vào thị trường Việt Nam, với các yếu tố mang tính chất “cú huých” như lợi thế từ việc Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa có hồi kết, xu hướng dịch chuyển đầu tư của nhà đầu tư ngoại…
Mới đây, Công ty Korea Investment Management Co., Ltd (KIM) công bố trở thành cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC).
Cụ thể, các quỹ do KIM quản lý đã mua thêm hơn 1 triệu cổ phiếu HBC, qua đó nâng số lượng nắm giữ lên 11,79 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu 5,11%, trở thành cổ đông lớn từ ngày 2/10. Được biết, quy mô danh mục của KIM tại Việt Nam hiện tại xấp xỉ 1 tỷ USD.
Thị trường nhà ở cũng thu hút mạnh dòng vốn từ Hàn Quốc. Theo Savills Việt Nam, các nhà đầu tư địa ốc Hàn Quốc đã và đang tìm kiếm các thị trường thay thế, Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu trong tầm ngắm.
The Chosun Ilbo, một tờ báo lớn ở xứ Kim chi cho hay, cá nhân và doanh nghiệp Hàn Quốc đã chi 440,1 triệu USD cho các bất động sản ở nước ngoài vào năm 2018, tăng 47% so với năm 2017 và gấp 3,8 lần so với 5 năm trước. Việt Nam đang là thị trường đứng thứ hai về quy mô đầu tư của nhà đầu tư Hàn Quốc, với 56,1 triệu USD.
Sức thu hút của thị trường bất động sản Việt Nam được giải thích bởi một số yếu tố chính như giá bán hấp dẫn, tiềm năng lợi nhuận cao, sản phẩm chất lượng do có sự tham gia của các nhà phát triển uy tín và Luật Nhà ở được nới lỏng tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà.
Giá căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội nhìn chung vẫn thấp hơn so với các các thành phố trung tâm trong khu vực như Kuala Lumpur và Bangkok, mặc dù tốc độ tăng trưởng mạnh hơn nhiều. Giá nhà mới tại khu trung tâm TP.HCM trung bình từ 5.500 – 6.500 USD m2, chỉ bằng một phần mức giá nhà tại Hồng Kông.
Bên cạnh đó, mức thuế bất động sản tại Việt Nam tương đối thấp, hấp dẫn người mua cả trong và ngoài nước.
Có sức hút mạnh mẽ hơn cả là bất động sản khu công nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Vũ Công Trụ, Giám đốc chiến lược và marketing, Tập đoàn Sao Đỏ cho biết, khu công nghiệp tại cảng Nam Đình Vũ mà Tập đoàn đầu tư đang thu hút các doanh nghiệp đến từ nhiều nước, trong đó có Hàn Quốc.
Cảng Nam Đình Vũ hiện ghi nhận doanh thu hơn 138 triệu USD, kỳ vọng doanh thu năm 2020 đạt 500 triệu USD và cao hơn trong những năm tiếp theo.
Theo ông Trụ, doanh nghiệp mới nhất đến từ Hàn Quốc tham gia Khu công nghiệp Nam Đình Vũ là Anova. Tại đây, có cả nhà đầu tư liên doanh làm kho bãi logistics, có nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, có nhà đầu tư cung cấp thứ cấp LG, các doanh nghiệp chủ yếu kinh doanh các sản phẩm có lợi thế về đường biển.
Dòng vốn ngoại, bao gồm vốn Hàn Quốc, được dự báo sẽ tiếp tục chảy vào thị trường Việt Nam, với các yếu tố mang tính chất “cú huých” như lợi thế từ việc Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa có hồi kết, xu hướng dịch chuyển đầu tư của nhà đầu tư ngoại…
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn tại Việt Nam của JLL nhận xét, các nhà đầu tư đang tích cực tìm kiếm liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp nội địa, hoặc thâu tóm quỹ đất và các tài sản công nghiệp đang hoạt động.
Nhu cầu phân khúc này vẫn lớn và các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam khi nơi đây có nguồn lao động dồi dào, chi phí thấp.
Tuy nhiên, bà Khanh cũng lưu ý, cơ sở hạ tầng sẽ gặp nhiều thử thách để bắt kịp đà tăng trưởng của các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài chuyển hướng sang Việt Nam